Ý nghĩa của vải lanh thổ cẩm và cách người H’Mông làm nên các sản phẩm thổ cẩm lanh.
Dường như người con gái H’Mông nào cũng biết tự trồng lanh, dệt vải, may áo cho mình. Quần áo thổ cẩm vải lanh với hoa văn tinh tế không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo của người H’Mông.
Vải lanh gắn liền với cuộc sống người H’Mông nơi vùng cao.
Cuộc sống vùng cao, nhất là vùng cao núi đá từ 800 đến 1.700 mét so với mặt biển, đối với người Mông thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng họ vẫn tồn tại và phát triển. Cộng đồng người Mông có bản lĩnh kiên cường, một ý thức rất cao về việc trau dồi và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Họ có cách sống riêng, cách nghĩ riêng khá độc lập, khó có thể bị trộn lẫn.
Ðàn ông dân tộc Mông nổi tiếng về nghề rèn dao, cách khoan thép chế nòng súng kíp và tài khéo biểu diễn cây khèn độc đáo. Phụ nữ Mông lại giỏi nghề làm lanh may áo váy, thêu dệt thổ cẩm, vẽ sáp nhuộm hoa văn.
Ta hãy cùng nghe lời hát:
Lớn lên anh theo cha đi cày
Theo anh vào rừng săn thú
Lớn lên em theo mẹ tập thêu
Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới
Giống như người con gái Thái ở tuổi trưởng thành có nương rẫy riêng trồng bông kéo sợi dệt đệm gối, may áo cưới cho ngày đi lấy chồng, người con gái Mông ở tuổi mười hai đã biết tước lanh se sợi, đã biết theo mẹ vẽ sáp thêu hoa. Các em cũng có nương trồng cây lanh của riêng mình để lấy sợi dệt, may áo quần cho cha mẹ anh em, và làm cho chính mình bộ áo váy đẹp ngày cưới, sao cho thật độc đáo.
Thổ cẩm vải lanh tín hiệu nhận biết cội nguồn của người H’Mông
Với người H’Mông, trang phục không chỉ là đồ mặc thông thường mà nó còn đi sâu vào đời sống tâm linh. Hãy nghe lời người H’Mông: “Ðói đến chết cũng không ăn thóc giống”
Rách cũng phải có áo lanh mặc lúc chết bởi lẽ “Chỉ có mặc vải lanh mới không lạc tổ tiên. Mặc vải lanh thì ma tổ tiên mới nhận được mặt con cháu”.
Vải lanh với người H’Mông đã trở thành tín hiệu để nhận biết cội nguồn kể cả khi đã rời xa cuộc sống nơi dương thế.
Chuyện kể rằng từ xa xưa người H’Mông du canh du cư theo từng triền núi. Cứ bao giờ nương bạc màu, nguồn nước cạn là lại chuyển đi. Nên khi con gái H’Mông đi lấy chồng thường khó có ngày gặp lại. Chính vì thế mà người mẹ thường gửi theo dưới đáy hòm đồ tư trang của con gái lúc về nhà chồng bộ áo váy lanh trắng do mẹ tự may, để khi đến tuổi nhắm mắt xuôi tay thì nó được lấy ra làm đồ mặc, khâm liệm rồi chôn cất.
Vài viện dẫn trên cho thấy người H’Mông cẩn trọng với bộ y phục, trân trọng bộ váy áo như thế nào. Cũng để thấy rằng những vân vi cầu kỳ trên thổ cẩm người H’Mông, sự tinh tế kỹ lưỡng trên hoa văn vẽ sáp không chỉ đơn thuần chứa đựng tính thẩm mỹ mà nó còn là sự tích chứa tâm linh của truyền thống một dân tộc có từ xa xưa mà người H’Mông không bao giờ quên vun đắp.
Hồn thiên nhiên trong các loại hoa văn trên thổ cẩm của người H’Mông
Nhà nghiên cứu dân tộc học Diệp Trung Bình (Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Thái Nguyên) đã nhìn ra có đến bảy loại đồ hình hoa văn lặp thành hồi văn trên áo váy, khăn đội đầu, yếm, tạp dề và trên thắt lưng hoặc mặt địu. Nó được thể hiện bằng thêu tay, bằng vẽ sáp nhuộm chàm, hoặc bằng cách chắp vải màu.
Giống một số dân tộc khác. Người Mông cũng tạo hoa văn từ cách nhận biết thiên nhiên. Ðó là hoa văn hình con ốc (sấy lầu kưx), hình con cua (lấu cư dềnh), hình rắn giun (zong), hình móng chân gà (lầu trâu kếx), hình con ốc rồng (kưx zong), hình hoa dâu da (lấu tưở), hình hoa tỏi (bầux blai), hình hoa bí (pàng tấu), rồi còn hình răng cưa của núi (ná kưx) hình chim rừng (lầu mờ nông), hình quả trám (plâu chì), hình tai người (sấy lảo dề)…
Qua tên gọi của các loại hoa văn trên, mới thấy hồn thiên nhiên đã đi sâu vào tâm khảm, lắng đọng vào đời sống tinh thần của người H’Mông một cách sâu sắc nhường nào.
Ðể đưa được thiên nhiên vào thổ cẩm, người H’Mông biết lấy ngay những sản phẩm có từ thiên nhiên để chế tác. Ðó là cây lanh cho sợi dệt, cây chàm cho màu nhuộm. Ðể có được tấm vải đẹp hoặc tấm thổ cẩm vẽ sáp vừa mắt, người H’Mông phải nhuộm phải phơi, làm đi làm lại hàng tháng trời, bền bỉ và kiên nhẫn
Các mẫu hoa văn được lưu giữ qua trí nhớ của người phụ nữ. Ngoài số mẫu đặc trưng của người Mông, mỗi địa phương lại có mẫu hoa văn riêng. Chỉ với bốn màu chủ đạo xanh – đỏ – trắng – vàng của chỉ tơ tằm mà tấm thổ cẩm tỏa ra muôn sắc màu vui tươi hoặc trầm ấm. Bí quyết phối màu ấy đã bao đời được con cháu người H’Mông tôi luyện, kế thừa và sáng tạo.
Những mẫu thêu, màu thêu, đường nét to nhỏ đều phải được tính toán tỉ mỉ chính xác. Nên khi hoàn thành, toàn bộ hoa văn trên vải săn mịn và đều đặn đến từng chi tiết. Cũng phải nói thêm là người H’Mông có cách thêu rất khác thường, thêu từ mặt trái của tấm thổ cẩm.
Thời gian dệt nên một tấm vải lanh là niềm kiêu hãnh của phụ nữ người H’Mông
Người ta thường hỏi: “Làm một bộ váy hết bao lâu?“, người H’Mông không trả lời được vì họ thường tước lanh, se lanh khi đi đường, thêu thổ cẩm khi ngồi nghỉ, thời gian ấy làm sao mà tính được. Nhưng người H’Mông lại có kiểu nhớ khác: bà Sùng Thị Say, 63 tuổi, ở Mèo Vạc (Hà Giang) cho hay “biết vẽ sáp ong từ năm 14 tuổi, đến nay đã vẽ được 81 cái áo, 23 cái váy và hơn 100 cái địu“. Bà Ma Thị Súa ở Quản Bạ (Hà Giang) thì tâm niệm “dệt vải lanh vất vả lắm, nhưng truyền thống của người H’Mông là phải mặc váy lanh nên con gái H’Mông đều phải học dệt”. Họ còn lo lắng “nếu không có thắt lưng đẹp thì không thể đón được con dâu…”
Trồng lanh, dệt vải, may váy áo, công đoạn nào cũng vất vả, nhưng người H’Mông có niềm kiêu hãnh riêng “bây giờ có nhiều quần áo mới, nhưng vẫn thích mặc váy lanh hơn. Vải lanh rất bền, mặc mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Khi đi chợ cứ thấy người mặc vải lanh thì biết đấy là người H’Mông
Có lẽ người H’Mông vẫn luôn nhớ “Chỉ có mặc vải lanh mới không lạc tổ tiên”.
No Responses